Chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022). Sáng ngày 18/11/2022 Trung tâm PHCN – GDTE khuyết tật tổ chức Hội diễn văn nghệ với chủ đề “GIAI ĐIỆU YÊU THƯƠNG”. Thông qua các tiết mục nhằm gửi lời tri ân sâu sắc đến các thầy, các cô đã tận tụy vì các em học sinh thân yêu của mình. Đồng thời, thông qua hội diễn văn nghệ giúp các em càng yêu thương và quý trọng thầy cô giáo, góp phần hình thành nét đẹp của truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong các em.

Tiết mục Em yêu trường em của nhóm lớp 1 và 2 + 3 của Khối khuyết tật trí tuệ
Hội diễn văn nghệ diễn ra lần lượt với các tiết mục của 06 đội: Gần gũi, vui vẻ, tình cảm, ý nghĩa, sâu sắc, sáng tạo, cố gắng. Các tiết mục diễn ra rất hay và ý nghĩa, đã mang đến cho tập thể giáo viên nhiều niềm vui và cảm xúc.

Ban tổ chức trao giải cho các đội
Chiều cùng ngày Trung tâm cũng đã tổ chức buổi Tọa đàm kỷ niện 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tập thể giáo viên Phòng dạy thực hành tại buổi tạo đàm
Tại buổi toạ đàm ngoài những cảm nghĩ, tâm tư của đội ngũ giáo viên thì rất xúc động khi nghe những lời chia sẻ của cô Dương Phan Thị Thu – Cán bộ Phòng khám chỉ đạo tuyến đã có những lời chia sẻ tận đáy lòng của mình về công việc chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật tại Trung tâm.

Cô Dương Phan Thị Thu chia sẻ tại buổi toạ đàm
Lời chia sẻ của cô Dương Phan Thị Thu
Lời đầu tiên, thay mặt cán bộ khối Y, em xin gửi đến các cấp lãnh đạo, quý vị khách quý, lời chúc sức khỏe và hạnh phúc. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 40 năm - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, em xin kính chúc các Thầy Cô giáo có thật nhiều may mắn, mạnh khỏe để có thể vững tay chèo lái con thuyền tri thức đặc biệt này. Chúc Thầy Cô gặt hái được nhiều thành công, có thêm thật nhiều lớp học sinh chăm ngoan, vâng lời, lễ phép, hát hay, múa đẹp, vẽ giỏi.
Sau đây, em xin có đôi lời chia sẻ từ góc nhìn của bản thân là một cán bộ y tế, từ khi mới vào làm cho đến nay, thấm thoát cũng gần bảy năm em làm việc tại trung tâm. Lúc mới vào trung tâm, cảm xúc của em vừa phấn khích, vừa lo lắng vừa hồi hộp, phải nói là đủ cung bậc cảm xúc. Em là một điều dưỡng viên, đối tượng em tiếp xúc, chăm sóc trước giờ hầu như là người lớn. Còn đây, là trẻ nhỏ, em chưa có kinh nghiệm chăm sóc, chưa biết cách dỗ các bé như thế nào? Với trẻ khuyết tật, để các bé hiểu được em nói gì, làm theo và bản thân em hiểu được các bé nói gì, muốn điều gì là việc không hề đơn giản. Có những lúc tưởng chừng, em muốn dừng lại vì chưa thích ứng được. Nhưng em suy nghĩ, "Nghề" đã chọn mình thì mình phải cố gắng, cố gắng và cố gắng hơn nữa. Mình phải làm được.
Việc cho uống thuốc, chăm sóc sức khỏe các bé là công việc hằng ngày của phòng khám chúng em. Thời gian gần đây, có bé Ngân, lúc đầu xuống phòng khám uống thuốc, bé chưa giao tiếp với chúng em nhiều. Qua một thời gian, chúng em đã tập cho bé nói câu dài từ hơn, trả lời phù hợp với hoàn cảnh, nhận biết được Cô nào, Thầy nào đang có mặt trong phòng khám. Ví như, khi bé xuống phòng khám, bé sẽ nói: Cho con uống thuốc, con uống xong rồi. Con cảm ơn Cô Hà, Thầy Kiệt, Cô Thu...bằng cách hỏi đi hỏi lại, làm mẫu, lặp đi lặp lại nhiều lần, khi bé nói hay trả lời đúng, chúng em khích lệ bé bằng những gì chúng em có thể làm ngay lúc đó: Ngân giỏi quá hay thưởng cho con cái kẹo, cái bánh hay đơn giản chỉ là cái vỗ tay khích lệ sự cố gắng, sự tiến bộ hằng ngày của bé.
Có bé hôm nay hợp tác nhưng hôm sau bé lại không. Chúng em phải dỗ dành, để bé cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm chân thành nhất thì bé mới chịu uống thuốc. Đây cũng được xem, là một niềm tự hào nho nhỏ trong lòng chúng em.
Thời gian các bé ở trường, nhiều hơn ở nhà. Trong khoảng thời gian đó, giáo viên chính là người vừa dạy trẻ, vừa chăm sóc trẻ với từng muỗng cơm, từng miếng nước, hộp sữa, vệ sinh cá nhân, thay quần áo, phân xử kịp thời giữa các bé khi chơi với nhau. Đôi lần, các giáo viên hay chính em bị các bé không vì lý do gì cả, chỉ là các con chưa biết cách giải tỏa cảm xúc bản thân dẫn đến các con có sự bùng nổ về hành vi: cào, cáu, la hét. Hay cảm nhận của em sau mỗi buổi trực, buổi hỗ trợ trông trẻ thay cho giáo viên khi thiếu nhân sự, là sự thở phào nhẹ nhõm khi đến cuối ngày, không có phụ huynh nào gọi điện cho Thầy, cho Cô báo rằng bé bị thế này thế kia. Bé không xảy ra xây sát, vấn đề gì là một ngày hạnh phúc với em. Thế mới thấy Giáo viên trẻ khuyết tật trên hết là tình yêu thương trẻ, cái "Tâm" với nghề giáo đặc biệt này, sự kiên nhẫn, nhiệt huyết và bản lĩnh thực sự ở các Thầy Cô.
"Mùa xuân ai đi hái hoa
Mà em đi nuôi dạy trẻ
Sao em muốn đàn em mau khoẻ
Sao em muốn đàn em mau ngoan
Hay bởi vì em quá yêu thương
Những đôi môi đỏ, những đôi má tròn".
(Trích lời nhạc: Cô đi nuôi dạy trẻ - Nguyễn Văn Tý)